Thứ Sáu, 2 tháng 1, 2015
BIỂU TÌNH LÀ GÌ ?
Theo bách khoa toàn thư Bắc Mỹ (Encyclopaedia Americana) thì biểu tình được hiểu một cách thông thường là hành động "bất bạo lực " của một nhóm người, nhằm mục đích đưa đến cộng đồng một quan điểm hay một cách nhìn về một vấn đề nào đó trong xã hội.
★ Hình thức của biểu tình:
Biểu tình có thể diễn ra bởi nhiều cách và sự đa dạng khác nhau. Trong các xã hội dân chủ hiện đại, các cuộc biểu tình có thể được thực hiện qua các hình thức sau:
- Diễn hành: Là cuộc xuống đường của nhiều người di chuyển trong trật tự từ một địa điểm này đến một địa điểm khác.
- Tập họp: Người biểu tình tập họp tại một địa điểm cố định, để nghe diễn thuyết của một người, và đôi khi là diễn đàn để đưa ra các ý kiến và quan điểm.
- Thường trực: Các cuộc biểu tình cố định đã “chiếm đóng” một địa bàn và diễn ra trong một khoảng thời gian dài.
- Giả chết (Die-in): Hình thức biểu tình khổ hạnh, người biểu tình sắp đặt một cảnh tượng chết chóc dùng để phản đối chiến tranh, hay phản đối một sản phẩm thuốc men mà cho rằng có hại.
★ Địa điểm và thời gian:
Địa điểm và thời gian của các cuộc biểu tình nhiều khi mang tính lịch sử và liên quan trực tiếp đến chủ đề biểu tình. Ví dụ biểu tình để kỷ niệm sự kiện Thiên An Môn vào ngày 4 tháng 6 hàng năm tại Hồng Kông. Nhưng cũng chính trong ví dụ này lại mang tính gián tiếp về địa điểm vì nó không xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn.
★ Biểu tình và luật pháp trong xã hội Mỹ
Tu Chính Án số 1 (First Amendment) trong hiến pháp Mỹ bảo vệ "quyền biểu tình ôn hòa của người dân" thông qua qua quyền tự do ngôn luận và quyền tự do hội họp. Tu Chính Án số 1 cũng khuyến cáo nhằm nghiêm cấm Quốc Hội Mỹ ra bất cứ luật lệ nào có ý định xâm phạm đến các quyền này.
Lịch sử nước Mỹ được coi là lịch sử đấu tranh và bảo vệ nhân quyền, và biểu tình được coi là một hình thức tích cực trong một nền dân chủ gương mẫu.
Các cuộc biểu tình tại Mỹ có thể xảy ra ở nhiều nơi với nhiều hình thức, và đặc biệt trên toàn liên bang Mỹ đã cho thiếp lập các địa điểm tự do ngôn luận (Free speech zones – hay còn gọi là The First Amendment Area), là những địa điểm cộng đồng mà người dân có thể dùng để đưa ra những quan điểm của mình một cách tự do tuyệt đối. Các trường đại học Mỹ cũng có những địa điểm như vậy để cho sinh viên bày tỏ quan điểm và tranh biện về bất cứ đề tài nào trong xã hội.
Trong lịch sử nước Mỹ đã từng diễn ra những cuộc biểu tình lớn lên đến hàng triệu người, có tiếng vang và ảnh hưởng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới.
Ngày nay, xã hội Mỹ đã quá văn minh và đi vào hệ thống pháp trị nên các cuộc biểu tình tại Mỹ thường chỉ xoay quanh những vấn đề còn bàn cãi như: đồng tính luyến ái, di dân, nạo phá thai, và các vấn đề ngoại giao diễn ra bên ngoài nước Mỹ như chiến tranh, chống khủng bố.
Và vì đặc điểm đa sắc dân và vị thế ảnh hưởng số một thế giới của mình mà nhiều cuộc biểu tình diễn ra tại Mỹ, nhưng không có một sự liên quan tối thiểu nào đến xã hội và đất nước Mỹ. Ví dụ: người Cuba tại Miami biểu tình phản đối chế độ độc tài cộng sản và Fidel Castro, người Việt tại Little Saigon biểu tình phản đối chính quyền Việt Nam bắt tù cha Lý, người Palestine biểu tình chống quân đội Israel chiếm đóng Gaza. Các cuộc biểu tình bảo vệ quyền súc vật, bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên .v.v. cũng thường diễn ra tại Mỹ nhằm gây tiếng vang lớn.
Tại Mỹ, chính quyền thành phố có trách nhiệm trực tiếp đến các hoạt động biểu tình. Các cuộc biểu tình diễn hành lớn thường có một chương trình và kế hoạch rõ ràng từ trước. Các tổ chức biểu tình sẽ làm việc với chính quyền thành phố để hẹn giờ, địa điểm, và chính quyền thành phố sẽ có trách nhiệm mở đường, hộ tống, giữ trật tự và cứu thương cho đoàn người biểu tình. Nếu trong cùng một vấn đề mà đoàn biểu tình có những quan điểm trái ngược nhau, thì chính quyền cũng không có quyền can thiệp vào các quan điểm ấy. Ví dụ: năm 2003 khi diễn ra chiến tranh Iraq, tại Mỹ đã có nhiều cuộc biểu tình lớn diễn hành chống chiến tranh để phản đối chính quyền tổng thống Bush, nhưng cũng có những cuộc xuống đường biểu tình ủng hộ hành động quân sự nhằm lật đổ Saddam Hussein. Chính quyền không có quyền xâm phạm đến các quan điểm khác nhau. Nhiệm vụ của chính quyền là thực thi pháp luật và hợp tác để các cuộc biểu tình diễn ra được suôn sẻ và ôn hòa.
Trong quá khứ cũng từng xảy ra những cuộc biểu tình dẫn đến những hành động quá khích, nhưng nhìn chung, biểu tình tại Mỹ được xem là tích cực hơn so với biểu tình tại nhiều nước châu Âu vì tính cách ôn hòa và trật tự của nó.
★ Biểu tình trong các chế độ độc tài toàn trị.
Biểu tình là một hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận, mà qua đó chúng ta có thể đánh giá về mức độ dân chủ và tôn trọng nhân quyền trong một xã hội. Khác với trong các xã hội dân chủ, nơi mà hành động biểu tình được xem là một hình thức tiến bộ và tích cực thể hiện tính chất văn minh và năng động của con người; thì trong các chế độ chuyên chế, biểu tình được coi như một dấu hiệu xấu và không nên được diễn ra. Con người trong các xã hội độc tài bị nhồi sọ và tiêm nhiễm vào đầu óc lối suy nghĩ rằng: biểu tình là hành động chống phá làm quấy rối trật tự xã hội, làm xấu hình ảnh đất nước, bôi nhọ quê hương.
Tất nhiên, đó là lối suy nghĩ từ những khối óc nông cạn đã bị tẫy não, vì trên thực tế những xã hội có nhiều cơ hội để bày tỏ quan điểm nhất lại là những xã hội giàu có, văn minh và được tôn trọng nhất trong cộng đồng thế giới.
Tuy nhiên, trong các chế độ chuyên chế vẫn có những cuộc biểu tình diễn ra. Các cuộc biểu tình được ủy quyền bởi chính quyền thường lại là những cuộc biểu tình với đề tài không hề liên quan đến xã hội và đất nước đó. Ngược lại, những cuộc biểu tình với các vấn đề bức xúc trong xã hội đó lại bị nghiêm cấm và đàn áp.
Từ thời Stalin ở Nga và các chế độ toàn trị Đông Âu, con người đã bị cai trị bằng hình thức "trại cừu", và khi cần thiết thì kẻ cai trị chỉ cần phát động phong trào để lùa “đàn cừu” đi làm những việc với mục đích chính trị riêng của mình.
Ngày nay, trong các xã hội chuyên chế, ngay cả những cuộc biểu tình như thế cũng không còn vì chế độ cai trị e sợ sự xuống đường của người dân.
Nói chung, mọi hình thức biểu tình và xuống đường diễn hành một cách tự phát của người dân là không được các chế độ chuyên chế chấp nhận.
Biểu tình tại Việt Nam. Là một xã hội độc đảng nên các đặc điểm trong xã hội này cũng bao gồm những đặc điểm vừa trình bày trên.
Tại Việt Nam ngày nay, tất cả các cuộc biểu tình đều là tự phát từ những vấn đề bức xúc trong chính xã hội, nhưng nó không được chế độ cầm quyền chấp nhận. Các cuộc biểu tình xảy ra và kết cục đều bị giải tán (đàn áp) bằng cách này hay cách khác, như: vụ biểu tình của người dân Thái Bình (1999), vụ biểu tình Tây Nguyên (2004), và gần đây là vụ biểu tình của người dân oan các tỉnh miền nam tại Sài Gòn.
Ngược lại, ngay cả những quan điểm trùng lặp với chế độ cũng không được thể hiện qua hình thức biểu tình. Ví dụ: Vào năm 2003 khi quân đội Mỹ tiến hành chiến dịch Tự Do Cho Iraqi, thì tất cả đài báo tại Việt Nam đều tuyên truyền một chiều với ý đồ nhồi nhét vào đầu óc người dân hình ảnh bài chính quyền Bush trên toàn nước Mỹ và thế giới. Hiếm có báo chí nước nào mà mô tả hình ảnh phiến diện một chiều như báo chí tại Việt Nam, nhưng một điều lạ là ở Việt Nam không hề có cuộc biểu tình chống chiến tranh nào diễn ra.
Một câu chuyện bên lề là lúc đó tôi có nói chuyện với một cô bạn tại Việt Nam, thì cô ta hỏi tôi rằng: Vừa rồi H. có đi biểu tình chống chiến tranh chứ? Câu hỏi này làm tôi nhận thấy y như rằng cô bạn đã hiển nhiên coi tôi là người phải chống đối lại chiến dịch lật đổ chế độ Saddam, trong khi đó đáng lý trước hết cô ta phải hỏi tôi là người ủng hộ hay là chống chiến dịch ấy. Rõ ràng báo chí tuyên truyền mô tả một chiều và bưng bít thông tin đã áp đặt và nhồi nhét tư tưởng bài Mỹ vào đầu óc cô bạn, và khi cô bạn nói chuyện với tôi, cô bạn cũng đem cái tư tưởng đó mà áp đặt vì cho rằng ai cũng như ai. Sự áp đặt tư tưởng một chiều đã biến một sinh viên đại học trong xã hội này mất cả khả năng suy luận tối thiểu mà nghĩ rằng cả nước Mỹ đang xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh, và ai cũng phải có tư tưởng như mình. Trên thực tế, theo thăm dò của các hãng thông tấn lớn lúc đó thì trên 75% dân Mỹ ủng hộ chiến dịch lật đổ chế độ Saddam.
Tôi không trả lời trực tiếp cô bạn, và sau khi giải thích cho cô bạn hiểu, tôi hỏi ngược lại: Vậy thì V. có đi biểu tình chống chiến tranh không? Cô bạn có vẻ bất ngờ với câu hỏi ngược lại của tôi, tôi cũng hiểu lý do vì sao, bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay làm gì có khái niệm ấy.
=> Tóm lại, biểu tình là một việc làm không được chế độ Cộng Sản đang cai trị tại Việt Nam chấp nhận, nó chỉ diễn ra ở mức “tức nước vỡ bờ” như những gì người dân các tỉnh miền nam đã thể hiện trong những tháng vừa qua. Trong xã hội này, nhiều khi biểu tình được xem là tội lỗi, là phản động, làm xấu hình ảnh đất nước, bôi nhọ quê hương trong mắt thế giới. Lối suy nghĩ nông cạn này chỉ nhằm giúp để bao biện cho những kẻ độc tài tiếp tục cai trị và chà đạp quyền con người. Ngược lại, thế giới bên ngoài chẳng bao giờ nhìn vào một kẻ luôn tìm cách che đậy xấu xa và sự thật mà cho đó là tốt đẹp, là một đối tác đáng tin cậy để hợp tác làm ăn và phát triển.
★ Những cuộc biểu tình lớn và kết quả của nó
Lịch sử thế giới đã trải qua nhiều nghìn năm, nhưng những cuộc biểu tình đúng nghĩa bằng hình thức đấu tranh ôn hòa chỉ được ghi nhận cách đây khoảng 4 thập niên, từ phong trào đấu tranh cho quyền dân sự do Martin Luther King khởi xướng.
Civil Rights: Ngày 28 tháng 8 năm 1963, khoảng 200,000 người đã xuống đường diễn hành từ khu bảo tàng Washington (Washington Monument) đến đài tưởng niệm Lincoln (Lincoln Memorial). Ở đây, Martin Luther King đã đọc bài diễn văn hùng biện “I have a dream” nổi tiếng. Tên tuổi ông đã đi vào lịch sử như một nhà chính trị cao cả trong thế kỷ 20. Ông được trao tặng Nobel hòa bình (1964), huân chương tổng thống về tự do (1977), và huân chương danh dự của Quốc Hội (2004). Từ năm 1986, ngày sinh nhật của ông đã được lấy làm ngày lễ quốc gia ở Hoa Kỳ.
Stonewall Riots: là phong trào đấu tranh của những người đồng tính và chuyển giới. Đây thực chất không phải là một cuộc biểu tình, vì nó là một chuỗi bạo động giữa cảnh sát thành phố New York và những người đồng tính kéo dài nhiều ngày từ ngày 28 tháng 6 năm 1969. Tuy nhiên, nó có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức con người và luật pháp sau này. Nó được coi là một cuộc cách mạng về quyền cá nhân và giới tính.
Phong trào phản chiến chiến tranh Việt Nam: phong trào từ cuối những năm 60′s đến năm 1973 lan rộng khắp Hoa Kỳ và trên thế giới, và có sự ảnh hưởng vô cùng to lớn. Mặc dù ngày nay vẫn còn sự tranh cãi đúng-sai của phong trào, nhưng hầu hết mọi người đều thừa nhận phong trào này đã ảnh hưởng đến nền chính trị Mỹ khiến quân đội Mỹ phải rút khỏi Việt Nam vào năm 1973, và gián tiếp làm toàn bộ cõi Đông Dương rơi vào tay khối Cộng Sản sau đó.
Thiên An Môn: Là phong trào của sinh viên Bắc Kinh đòi dân chủ diễn ra vào cuối tháng 4 năm 1989, kéo dài đến ngày 4 tháng 6 khi chính quyền cộng sản Trung Quốc đã dùng quân đội đàn áp một cách đẫm máu. Mặc dù bị dập tắt và Trung Quốc ngày nay vẫn chưa có dân chủ, nhưng phong trào này đã có ảnh hưởng lớn đến cải cách chính trị và kinh tế sau này, góp phần giúp Trung Quốc phát triễn thịnh vượng hơn.
Kết luận:
– Mọi hình thức đấu tranh ôn hòa và không gây hại TRỰC TIẾP đến một cá nhân khác đều được coi là hợp pháp.
– Biểu tình là một trong những hình thức thực thi "quyền tự do ngôn luận" của công dân trong xã hội dân chủ, là một trong những nhân quyền cơ bản được qui định trong Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền.
– Không một bộ luật nào được coi là có hiệu lực, nếu nó vi phạm hiến pháp nhà nước hoặc trái ngược với các luật nhân quyền.
– Không một chính quyền hoặc chế độ nào có đủ lý do để đàn áp nhân quyền, ngoại trừ chính chế độ đó đang vi phạm pháp luật và vi phạm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
– Mọi hình thức cản trở tự do ngôn luận đều bị xem là vi phạm nhân quyền.
————————————-————————————-
Tài liệu tham khảo:
- Kilman, J. & Costello, G. (Eds). (2000). The Constitution of the United States of America: Analysis and Interpretation.
- “Václav Havel.” The Power of the Powerless. trans. Paul Wilson, M.E. Sharpe, Inc. Armonk, New York. Personal Webpage Online.
- “Benjamin Franklin.” Discovering World History. The Gale Group.
Online. 14 Mar 1999.
- “Protests against the 2003 Iraq war” Br. Online. 13 April 2003.
(Dzukaka)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét